Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Hạn chế và con người Việt Nam

Sưu tầm theo: Tạp chí Người đọc sách

     Thực sự tôi không muốn post bài này, nhưng nó phản ánh quá chân thực con người Việt Nam. Ai không thích thì đừng đọc, tôi không dám cấm, nhưng nếu đọc rồi thì hãy suy nghĩ một tí về con người Việt Nam.

      Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng nhìn chung, xét về bản chất, tư duy, nhận thức của người Việt Nam có một số hạn chế cần khắc phục sau đây: 
- Bệnh: "Cá nhân chủ nghĩa". Trong một thời gian khá dài, tại các đợt học tập chính trị, chỉnh huấn từ những năm 1952 – 1960 đều lấy việc chống chủ nghĩa cá nhân làm chủ đề chính cho các sinh hoạt và rèn luyện đạo đức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và thanh thiếu niên. Trước đây, ông cha ta không gọi đó là bệnh cá nhân chủ nghĩa mà gọi luôn bản chất của nó là “thói hám danh lợi”. Ngày nay, bệnh này khá trầm trọng ờ mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường sẽ càng có cơ hội ho chủ nghĩa cá nhân phát triển.
- Lối tư duy theo tư tưởng thích quyền lực, thích làm quan, thích làm thầy thiên hạ, ghét buôn bán, ngại làm thợ… Hậu quả của lối tư duy này là sự mất cân bằng về cơ cấu nguồn nhân lực, một yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Hệ quả kéo theo là tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thiếu một lực lượng khá lớn công nhân có tay nghề. Lối tư duy, nhận thức trong xã hội tồn tại trong mỗi con người thể hiện ngay ở việc học, cho rằng phải học để làm quan, làm công chức, bám vào Nhà nước, không học thì làm thợ, làm công nhân (làm thầy nuôi thợ làm thợ nuôi miệng). Nhược điểm này trong lối tư duy của người Việt Nam gây tác động không nhỏ tới quá trình phát triển nền kinh tế thị trướng, quá trình CNH – HĐH đất nước, đặc biệt gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Lối tư duy “ba phải” cũng là một nhược điểm trầm trọng và khá phổ biến trong cách suy nghĩ ở một bộ phận người Việt Nam. Ngày nay, lối tư duy này biểu hiện ở tất cả các mặt của đời sống kinh tế – xã hội, rất đa dạng và có mức độ, mật độ khác nhau, đó là: nói một đằng làm một nẻo, ném đá giấu tay… Những nhược điểm của lối tư duy như vậy sẽ dẫn đến hệ quả là niềm tin bị tổn thất, làm lệch lạc định hướng chính thống trong tư duy, đặc biệt trong nền kinh tế thị trướng định hướng xã hội chủ nghĩa và sẽ rất nguy hiểm nếu nó ăn sâu vào nhận thức của đội ngũ công chức và tầng lớp lãnh đạo.
- Tư duy, nhận thức tiểu nông trong nhân dân còn phổ biến. Nguyên gốc của nó là sự hiện diện suốt chiều dài lịch sử dân tộc và sự ảnh hưởng quá lớn của làng xã trong đời sống xã hội đã tạo nên một hình thức tư duy, nhận thức đặc thù như vậy trong xã hội. Tư duy tiểu nông không chỉ tồn tại và ảnh hưởng đối với đại bộ phận nông dân, mà còn tồn tại và ảnh hưởng đến các tầng lớp cư dân khác: công nhân, công chức… phản ánh ở một số khía cạnh sau đây:  
      + Tư duy phiến diện: thể hiện trong định hướng hoạt động cũng như cách thúc giải quyết vấn đề thiếu tổng quát, toàn diện, tầm nhìn xa. Vì vậy, cách giải quyết thường mang tính chắp vá. Tư duy manh mún, lạc hậu là kết quả của quá trình phát triển lịch sử, kinh tế – xã hội lâu dài với những hạn chế và khó khăn trong điều kiện lao động và sinh hoạt xã hội. 
      + Tư duy nặng về tình cảm dòng họ và tính cục bộ: trong đời sống làng xã, người nông dân luôn hiện diện với hai vai: thành viên của cộng đồng làng xã và thành viên của dòng họ. Đối với mỗi người dân Việt Nam, tình cảm dòng họ rất quan trọng. Trong một cộng đồng, tình cảm dòng họ và tính cục bộ đã tạo nên sự cố kết bền vững, tinh thần tương thân tương ái giữa các thành viên của nó. Mỗi cá nhân, gia đình khi gặp hoạn nạn, khó khăn hoặc khi có công việc lởn thì được dòng họ hợp sức để giúp đỡ. Bên cạnh những mặt tích cực, tình cảm dòng họ làm nảy sinh những biểu hiện của tâm lý hẹp hòi, tiêu cực, cục bộ, gia đình chủ nghĩa, những đố kỵ, ghen ghét, bè phái, phe cánh có nguyên nhân từ tư duy mang tính dòng tộc này.
- Tính thụ động, cầu may, ăn xổi: lối suy nghĩ này do hoạt động của người nông dân trong điều kiện hạn hẹp, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Tư duy hẹp hòi, thụ đống, cầu an còn thể hiện ở chỗ thiếu sáng tạo, dựa vào lối tư duy kinh nghiệm. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi người phải năng động, nhạy bén nhưng vẫn còn nhiều người mang lối tư duy thụ động, thiếu tính sáng tạo.
- Tác phong tuỳ tiện, ý thức kỷ luật kém cũng bắt nguồn từ tư duy tiểu nông, đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, công nhân hiện nay.
     Ngoài ra, cần phải kể đến những lối tư duy sùng ngoại, coi trọng đồng tiền (quy tất cả ra tiền, kể cả các mối quan hệ vốn thuộc về phạm trù đạo đức), coi nhẹ việc kiềm chế dục vọng, hưởng thụ vật chất trong xã hội.(câu này rất đúng ) Vì vậy, cần phải có biện pháp điều chỉnh và khắc phục những nhược điểm này, thay vào đó lối tư duy khoa học, lấy hiệu quả và kết quả thực làm hướng đích trong tư duy.

CNTT sẽ xác định vị thế quốc gia tương lai

Nhiều người có thể hoài nghi khi nhìn vào hiện trạng CNTT Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia trong nước cho rằng nếu phân tích sâu từ khía cạnh tài nguyên và đầu tư sẽ thấy đây là động lực thúc đẩy nền kinh tế đuổi kịp các nước phát triển.
>Hội thảo về CNTT và tương lai của đất nước

"Chúng ta có quá nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi như lĩnh vực nào Việt Nam có cơ hội đạt thứ hạng cao? Chúng ta nên tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào? Làm sao tăng trưởng nhanh thu nhập quốc dân mà bền vững? Cách nào hiệu quả để nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống của người dân? Làm gì để Việt Nam mãi xanh tươi, không khí mãi trong lành? Làm gì để hiện đại hóa, quốc tế hóa và cơ hội nào cho thanh thiếu niên Việt Nam?... Thời thế và cơ hội giục chúng ta có giải pháp và hành động ngay lúc này. Phải chăng tất cả tựu chung trong cụm từ CNTT?", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa), chia sẻ.
Ảnh:
Ảnh minh họa: eWeek.
Giải đáp những câu hỏi này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng lĩnh vực CNTT đã có những bước tiến đáng khích lệ và có đủ cơ sở để tự tin rằng đây là ngành có tiềm năng nhất trong việc giúp Việt Nam bắt kịp với thế giới. Nền kinh tế VN đang "dựa vào chỗ không phải là thế mạnh" là khai thác tài nguyên và xuất khẩu bởi tài nguyên là yếu tố bất định, mang lại giá trị thấp và gây ra những hệ lụy không mong muốn như ảnh hưởng tới môi trường. "Ngoài ra, một quốc gia mạnh thì phải mạnh về tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta xuất khẩu nhiều loại hàng hóa nhưng người dân lại không trực tiếp được tiêu thụ hàng hóa đó, như mạnh về xuất khẩu gạo nhưng dân vẫn đói", ông Liên lấy ví dụ.
Trước bất cập đó, Việt Nam cần phát triển một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững và hiệu quả. Đó là nền kinh tế dựa vào tri thức. CNTT không những là công cụ then chốt cho sự phát triển con người và xã hội, mà còn là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy, trong cách mà con người quan hệ, giao tiếp và về lâu dài sẽ là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức và rộng hơn là xây dựng xã hội dựa trên tri thức.
Có cùng quan điểm, ông Trương Gia Bình tin CNTT là "đột phá khẩu" của Việt Nam trong kỷ nguyên tri thức: "Chúng ta có thể xuất tài nguyên thiên nhiên, hoặc sản phẩm nông lâm thủy sản… nhưng những ngành đó không đem lại cho VN lợi thế đặc biệt hay thứ hạng cao. Nhưng nếu có 1 triệu kĩ sư CNTT, VN sẽ đứng trong Top 5 về nguồn nhân lực CNTT. Hiện thế giới thiếu 3 triệu và 10 năm tới thiếu 10 triệu lập trình viên. Tôi nghĩ trong các nước đang phát triển chỉ vài nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam có thể nghĩ tới quy mô này".
"Tài nguyên lớn nhất của chúng ta và còn lâu mới đối mặt với nguy cơ cạn kiệt là con người, đây cũng chính là yếu tố quyết định của phát triển CNTT. Khoa học và công nghệ (KHCN) là chìa khóa cho đổi mới và sáng tạo trong kinh tế quốc dân mà CNTT chính là hạ tầng và động lực cho khoa học công nghệ. 'Đất' để ứng dụng CNTT và truyền thông còn rất nhiều và việc dùng chúng như một công cụ hữu hiệu sẽ giúp thúc đẩy phát triển và tăng năng suất các ngành kinh tế khác, cho ta cơ hội phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường", TS. Nguyễn Việt Hải, Giám đốc Công ty phát triển phần mềm và đào tạo eDT, cũng nhấn mạnh.
Không như những ngành công nghiệp khác, CNTT có một số đặc điểm riêng như đây là lĩnh vực dễ nắm bắt và đa số người Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc, không đòi hỏi đầu tư quá lớn và nhất là CNTT luôn thay đổi, biến hóa. Điều này cũng là một thách thức nhưng nếu có khả năng thích nghi nhanh và biết chớp thời cơ, đây lại là cơ hội lớn cho Việt Nam đi tiên phong và phát triển sánh ngang các nền kinh tế lớn.
"Sức mạnh kinh tế nằm trong tay người nắm công cụ sản xuất, nhưng chúng ta cũng đang chứng kiến sức mạnh vô hình là thông tin. Và trong tương lai, kẻ thống trị có thể thuộc về người thống trị thông tin. Do đó, một nền kinh tế mạnh sẽ được chi phối bởi các chính sách, chiến lược dài hạn trong việc phát triển thông tin và từ đó đầu tư ngược lại cho các ngành kinh tế khác, thay vì tập trung khai thác nguồn tài nguyên có hạn", ông Liên nhận xét.
Còn ông Bình nhận định ước mơ để "CNTT thấm vào từng hạt lúa, củ khoai", để Việt Nam trở thành một quốc gia tiên tiến, có vị trí xứng đáng trong kỷ nguyên số không thể thành hiện thực nếu không có ý chí chính trị cao nhất. Và ý chí này phải thể hiện qua những chương trình hành động quyết liệt, có tập trung đầu tư nhân lực, vật lực rõ ràng.
Lê Nguyên

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Chọn Nhà nước hay Tư nhân?


Hôm nay có 1 cậu em hỏi ý kiến 4mua về chuyện ra trường thì nên xin vào làm "Nhà nước" hay là "Tư nhân". Nhớ lại chuyện của mình 1 năm về trước, 4mua đã thẳng thắn chỉ ra các vấn đề lợi – hại của mỗi môi trường làm việc để cậu ấy tự chọn lựa nơi phù hợp. Bản thân 4mua đã từng từ bỏ 1 trường đại học danh giá nhất nhì Thủ đô, từ bỏ công việc ở 1 Vụ quan trọng của 1 Bộ tiêu tiền nhiều nhất nhì đất nước, từ bỏ công việc ở 1 công ty nước ngoài,.. để đi làm cho 1 công ty Tư nhân trong nước. Cho nên, 4mua nhận thấy: Thực sự thì, 2 môi trường này ở Việt Nam rất khác xa nhau...

Xét về tổng thu nhập
Sau 4-5 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, hầu hết chúng ta ra trường đều mong có 1 việc làm có thu nhập cao. Ngoài lý do "chính trị" ghê gớm là để trả ơn bố mẹ thì cái lý do "to" nhất (nhưng lại được dấu kỹ nhất) là có nhiều tiền để trang bị cho cuộc sống, đầu tư cho bản thân,.. Tóm lại là để hãnh diện!
Nếu làm ở cơ quan Nhà nước mà không có "cơ" (C.Ô.C.C được gửi gắm chẳng hạn) thì thu nhập chính xác là: 3 cọc 3 đồng. Dù có thêm vài cái phong bì lẻ tẻ mỗi tuần do họp hành, khách khứa,.. nhưng nói chung là sống vẫn rất lay lắt. Nếu nghề nghiệp cho phép làm việc ngoài thì có thể khá hơn (vì làm Nhà nước có nhiều thời gian và khá... tự do vô kỷ luật). Nhưng nhìn chung, với cách tính lương "tuần tự nhi tiến" theo thâm niên, cộng với việc có làm thêm chăng nữa cũng chỉ là các công việc cò con (dành cho cá nhân) thì không thể trông chờ 1 mức thu nhập "hoành tráng" được!
Nếu là Tư nhân thì hầu như bạn có thể hưởng lương theo khả năng của mình: Bao gồm cả khả năng chuyên môn, khả năng quan hệ, khả năng đàm phán, ngoại giao & trình độ "tâm lý chiến"! Cũng có nghĩa là bạn không bị "thu nhập oan"! Nếu bạn giỏi, okie – lương bạn có thể hàng ngàn đến vài ngàn đô. Nếu bạn không giỏi, vài trăm đô. Nếu bạn dốt (một cách toàn diện), bạn chấp nhận tiền triệu, tiền trăm hoặc out ngay lập tức!
Xét về cơ hội nâng cao trình độ
Nhiều người lầm tưởng ở cơ quan Nhà nước sẽ có cơ hội đi học lên cao – và gọi đó là nâng cao trình độ. Xin thưa: Không hề! Chuyện đào tạo sau đại học ở VN là 1 câu chuyện dài, và ai cũng có thể nói 1 cách tương đối chính xác chất lượng đào tạo đến đâu (kể cả chưa cần đi học bởi vì bằng chứng thì đầy ngoài... ngõ)! Cũng xin mở ngoặc ngay là "trình độ" ở đây không phải chỉ là nói đến chuyên môn đơn thuần.
Cho nên dù bạn có học đến Thạc sỹ hay làm Tiến sỹ trong quá trình công tác ở các cơ quan nhà nước thì nhìn chung (đa số) là trình độ của bạn vẫn... dậm chân tại chỗ mà thôi! Đơn giản vì bạn thường bị thiếu thực tế, thiếu sự cọ xát và chiến đấu khắc nghiệt bên ngoài xã hội. Các nguồn "việc" chủ yếu được bơm từ trên xuống (Bộ chủ quản hoặc Tổng công ty mẹ) và quá trình "đấu đá", nghiệm thu mang nặng tính thủ tục - cộng với sự cả nể "có đi có lại" dẫn tới việc trình độ thực sự còn phải đeo thêm cái dấu chấm hỏi to đùng!
Cho nên theo quan điểm của 4mua thì cơ quan Nhà nước không phải là nơi tốt nhất cho việc nâng cao trình độ. Phải là các Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh - Nơi mà bạn bị vần như cối đá và bị xoay như chong chóng!
Xét về cơ hội thăng tiến
Nếu bạn làm ở 1 cơ quan Nhà nước một cách "tay bo" không người nâng đỡ, không được cơ cấu hay quy hoạch, thì chuyện bạn rất giỏi nhưng cả đời chỉ làm chuyên viên để rồi cống hiến & hi sinh không hề hiếm hoi, xa lạ hay bất ngờ! Bạn có thể thẳng thừng bị "cướp" thành quả và công sức của mình, đóng dấu những thứ đó dưới tên của sếp. Cái đó gọi là "phải biết hi sinh, phải biết vị trí của mình" - và bạn đừng có thắc mắc! Bản thân 4mua đã từng bị cướp công như thế với lý do: Để tên em thì khó thuyết phục người ta (Bộ) đồng ý. Cứ ghi tên chị cho nó dễ dàng em ạ"!
Nhưng khi bạn làm cho Tư nhân, bạn hoàn toàn có thể trở thành Phó Tổng giám đốc khi chưa tròn 30 tuổi – miễn là bạn đủ "trình"! Tôi đố các bạn tìm được 1 Phó Tổng giám đốc 1 Tổng công ty lớn của Nhà nước nào đó dưới 30 tuổi đấy? Sự dân chủ giả tạo ở các cơ quan Nhà nước luôn được đem ra làm công cụ để nhào nặn đội hình cho đúng với ý lãnh đạo hay cấp trên. Cho dù bạn đủ khả năng và ¾ công ty muốn bạn làm lãnh đạo thì bạn vẫn... Hãy đợi đấy! Hi vọng trước khi về hưu bạn sẽ được 1 cái ân huệ: bổ nhiệm làm Phó phòng.
Xét về độ nhàn hạ
Cái này thôi khỏi phải bàn – nói ra thì tức cười vì ai ai cũng rõ mười mươi cả rồi! Chỉ xin mở ngoặc 1 điều: Khi bạn còn trẻ mà bạn quá nhàn rỗi thì điều đó sẽ giết chết sức khỏe của bạn. Nghe có vẻ ngược đời nhưng đúng là điều đó làm bạn cảm thấy rất uể oải và thiếu sức sống mỗi ngày!
Xét về độ "oai phong"
Ờ, làm Nhà nước thì oai hẳn rồi! Tha hồ mà quát nạt "lũ dân đen" mỗi khi họ có việc cần "cầu cạnh". Nhiều người say sưa với việc đó và cho rằng: Mình đã có công danh, có 1 địa vị quan trọng trong xã hội. Một thằng ranh con ra trường chưa đầy 2 năm, nghiệp vụ hạng xoàng,.. có thể khệnh khạng quát 1 ông chuyên gia bằng tuổi bố nó (vì nó là Nhà nước)! Đó là do những bất cập bởi sự chưa minh bạch về các vấn đề pháp lý và quản lý Nhà nước. Chứ thực ra, có oai hay không, một lúc tĩnh tâm nào đó, bản thân họ (những con người oai phong ấy) cũng đã có câu trả lời.
Tuy nhiên...
Nói như vậy không có nghĩa những người làm cho Tư nhân họ không cảm thấy oai. Vấn đề là cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau mà thôi. Khi sức lao động của bạn có giá trị cao, hiệu quả công việc tốt, bạn làm ra những sản phẩm giá trị cho xã hội, bạn hoàn toàn có thể rất tự hào & tự tin 1 cách đàng hoàng! Bản thân Bí thư chi bộ ở chỗ 4mua cũng kiêu hãnh phát biểu trước Quận ủy: Tôi tự hào và hãnh diện về những đứa con của mình (đứa con là cách ông ấy gọi chúng tôi)! Cuối cùng, khi bạn có nhiều tiền, tự nhiên bạn phong độ và sẽ oai hẳn hơn lên (mà không cần phải ai cấp giấy chứng nhận cả)!
Xét về độ "an toàn"
Rõ ràng là sự an toàn khi làm cho Tư nhân sẽ kém hơn hẳn. Không ai bỏ tiền ra nuôi bạn khi bạn làm việc không hiệu quả cả (trong khi làm cho Nhà nước thì có đấy). Độ rủi ro là rất cao, và bạn có thể mất việc, thất nghiệp bởi những lý do trời ơi đất hỡi: Năng lực của bạn kém, năng lực các đồng nghiệp của bạn kém, năng lực sếp trực tiếp của bạn kém – Thậm chí cả khi năng lực của ông chủ của bạn kém, bạn cũng sẽ mất việc (phá sản mà)!
Cho nên nếu bạn là người tầm tầm, không muốn vươn lên, ngại va chạm và xê dịch thì "tổ ấm" lý tưởng của bạn chính là 1 cơ quan Nhà nước. Tốt nhất là một cơ quan Nhà nước không nổi tiếng, càng "ít tiếng" càng tốt – Thậm chí nếu người ta đã quên nó rồi thì càng tốt hơn (tất nhiên là vẫn phải nhớ trả lương)! :D
Xét về độ hài lòng & hạnh phúc
Hạnh phúc có liên quan đến chuyện làm cho Nhà nước và Tư nhân hay không? Cụ thể hơn là liệu những người làm cho Nhà nước có hạnh phúc hơn những người làm cho Tư nhân (hoặc ngược lại) hay không? À không, chính xác thì phải là: Cùng 1 con người ấy, khi họ làm cho Nhà nước thì họ có cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ làm cho Tư nhân (hoặc ngược lại) hay không? Câu trả lời quả thực vô cùng khó vì quan niệm về hạnh phúc là rất khác nhau. Với riêng cá nhân 4mua, khi làm cho Tư nhân thì 4mua cảm thấy hạnh phúc hơn (vì được cống hiến, được làm việc, được cháy hết mình & cả được... lo lắng nữa)!
Buộc lại...
Khi 4mua đã nói như thế này thì rõ ràng đầy ngụ ý là: làm cho Tư nhân thì tốt hơn làm cho Nhà nước. Điều này sẽ đụng chạm đến vô khối người, đặc biệt là những người công tác trong những ngành không có môi trường Tư nhân hoặc ranh giới rất mong manh. Xin thưa, đó chỉ là ngoại lệ thôi! Khoảng hơn 80% xã hội Việt Nam đã và đang trong trình trạng như 4mua đã nói.
Vậy... không lẽ họ không biết điều đó, hay theo như lý luận của 4mua thì họ không giỏi?!?
Không hẳn! (Không có phát ngôn nào về vấn đề này chính xác tuyệt đối cả). Nhưng một bộ phận không nhỏ bị cái gọi là "sức ì". Họ ngại thay đổi. Họ e ngại không biết khi mình rời bỏ nơi này, cuộc sống sẽ ra sao, có tốt đẹp hơn không? Thậm chí, có tốt đẹp như hiện tại hay không? Và cũng có thể họ đang hài lòng với công việc ở Nhà nước hiện nay; họ đang hi vọng vào 1 ngày mai tươi sáng hơn (những lời hứa thăng chức chẳng hạn). Điều đó không có gì là khó hiểu & mâu thuẫn cả.
Khi 4mua bỏ việc ở mấy nơi như đã trình bày, không biết bao nhiêu người thân – quen (kể cả sếp cũ) chửi 4mua là ngudốt! Thậm chí, nhiều người bây giờ gặp lại vẫn nghĩ 4mua còn làm ở chỗ đó (dù đã được 4mua "thanh minh"). Đơn giản vì họ không thể tin và họ cho rằng chỗ đó quá "thơm" để mà ôm chặt lấy suốt đời!
Cuối cùng, nếu bạn giỏi một cách "toàn diện" thì ở môi trường nào bạn cũng sẽ (sớm hay muộn) thành công (lại là một khái niệm còn gây tranh cãi). Tất cả những điều trên mới chỉ là kinh nghiệm và vốn sống của cá nhân 4mua. Còn bạn, bạn đã chọn môi trường nào?


Nguồn: Blog 4mua