Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

NGƯỜI NIỆM PHẬT TÂM PHẢI THANH TỊNH

NGƯỜI NIỆM PHẬT TÂM PHẢI THANH TỊNH, CHẲNG CẦU VÃNG SANH, CHẲNG CẦU NHẤT TÂM BẤT LOẠN, CHẲNG CẦU CÔNG PHU THÀNH PHIẾN, THỨ GÌ CŨNG CHẲNG CẦU, CỨ MỘT CÂU A DI ĐÀ PHẬT MÀ NIỆM ĐẾN TỘT CÙNG. VÌ SAO ? VÌ HỄ CẦU BÈN CÓ VỌNG NIỆM (hay)Nếu thật sự đúng lý, đúng pháp tu học pháp môn này, sẽ có thể thành công trong bảy ngày; nhưng quý vị phải nhớ: “Đúng lý, đúng pháp”, tôi nói rất rõ ràng, rất minh bạch lời này! Nếu quý vị không hiểu rõ, cứ liều mạng thực hiện, niệm suốt bảy ngày, cũng có thể là niệm Phật bảy ngày xong, niệm suốt bảy ngày bảy đêm, chẳng thể vãng sanh, mà ở luôn trong bệnh viện thần kinh. Phiền phức lớn lắm, tẩu hỏa nhập ma rồi! Vì sao biến thành nông nỗi ấy? Kẻ ấy chẳng đúng pháp, nóng vội quá mức!
Người ta niệm Phật là tâm bình khí hòa mà niệm, chẳng có hết thảy dục niệm mà niệm, niệm như thế thì mới hòng thành công. Quý vị có dục vọng, có ý niệm, quý vị niệm như thế, rất dễ bị ma dựa! Do quý vị có hy vọng trong ấy, ma bèn ban cho quý vị một niềm hy vọng. Nói cách khác, quý vị đã đưa chuôi cho người ta nắm, “tôi hy vọng gì cũng không có”, ma đối với quý vị chẳng có cách nào cả! Ví dụ như: “Ngươi muốn có tiền”. [Ma bèn tự nhủ]: “Ta có rất nhiều tiền bèn dụ dỗ, mê hoặc hắn, hắn sẽ mắc lừa. Ngươi muốn có danh, ta ban cho ngươi danh nghĩa rồi sẽ khống chế ngươi”. Quý vị chẳng có mong mỏi gì, hắn sẽ chẳng có một tí biện pháp nào để thao túng quý vị, chẳng biết làm sao! Do vậy, người niệm Phật tâm phải thanh tịnh, thật sự niệm Phật chẳng cầu vãng sanh, chẳng cầu nhất tâm bất loạn, chẳng cầu công phu thành phiến, thứ gì cũng chẳng cầu, ta cứ một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng. Niệm mấy ngày, tự nhiên đắc nhất tâm, tự nhiên thấy Phật vãng sanh. Đó là tự nhiên, nước chảy mãi thành suối. Quý vị phải hiểu đạo lý này!
Vì thế, người niệm Phật điều gì cũng đừng nên cầu, hễ cầu bèn có vọng niệm. Nếu còn có cái tâm mong cầu hiếu thắng, càng dễ bị ma dựa. Đó là đã kết duyên với ma. Cái tâm hiếu thắng [mong tưởng] bữa nay ta thành công, ta phải hơn người khác, không được rồi! Tây Phương Cực Lạc thế giới đâu có kẻ hiếu thắng, vàn muôn phần chớ có cái tâm ấy. Vì thế, trong khi đả Phật Thất mà có lòng hiếu thắng, quý vị lạy một ngàn lạy, tôi lạy một ngàn hai trăm lạy, tôi giỏi hơn quý vị, quý vị không bằng tôi, tâm hạnh ấy là tâm hạnh gì? Quý vị mỗi ngày niệm Phật một vạn tiếng, tôi niệm hai vạn tiếng, ganh đua! Phải giành vị trí thứ nhất, ý niệm ấy sai bét! Vì thế, ý niệm ấy chỉ chuốc lấy ma dựa, chẳng thể đạt kết quả tốt. Do vậy, niệm Phật nhất định phải tâm bình khí hòa, chuyện gì cũng đều chẳng cầu!
Niệm một câu Phật hiệu đương nhiên là vì nhất tâm bất loạn, là vì vãng sanh Tịnh Độ. Vì thế, chẳng cần phải khởi tâm động niệm, chỉ cần niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu, như thường nói: Không gián đoạn, chẳng xen tạp, không hoài nghi. Bảy ngày niệm chưa thành công, thì lại thêm bảy ngày nữa. Thời gian dài lâu chẳng sao hết! Đó là gì? Nghiệp chướng nặng nề. Chúng ta thấy nhiều người, đại đa số là niệm ba năm thành công, chúng ta nghĩ mình cũng nghiệp chướng sâu nặng, chắc là cũng phải ba năm. Chẳng đòi hỏi ba ngày hay bảy ngày thành tựu. Điều đó rất nguy hiểm, đâu phải là trò đùa!
Trích A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA -tập 82-phần 41
Người giảng LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
A DI ĐÀ PHẬT _()_

x

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Phỏng vấn Hòa thượng Tịnh Không - 21/4/2012

- Đinh Gia Lệ: Thưa Thầy, giả sử trong mạng của con có phước, con muốn tu hành, con không muốn nhận cái phước này, con không hưởng cái phước này, như vậy có đúng không?

- HT Tịnh Không: Không hưởng phước này, thì mang phước này đem cho tất cả chúng sanh cùng hưởng, vậy là được.

- Đinh Gia Lệ: Tức là quên mình vì người đúng không ạ?

- HT Tịnh Không: Đúng rồi. Người thật sự hiểu được đạo lý này, tuy có phước báo nhưng bản thân họ vẫn sống cuộc sống giản dị, phước báo của họ có thể giúp được rất nhiều người.

- Đinh Gia Lệ: Họ mang tiền của tặng cho những người đang cần chúng?

- HT Tịnh Không: Đúng, cho những người đang cần. Người mà tôi thấy được trong cuộc đời tôi chính là Thầy hiệu trưởng trước đây của tôi – Thầy Châu Bang Đạo. Thầy là một vị quan liêm khiết. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng nghe qua, có lẽ trên thế gian này chỉ có một mình thầy ấy, không tìm được người thứ hai như thế. Thầy ở Đài Loan làm chức Thứ trưởng chính vụ bộ khảo tuyển.

- Đinh Gia Lệ: Bộ khảo tuyển là gì vậy thưa Thầy?

- HT Tịnh Không: Chính là quản lý tuyển chọn nhân tài.

- Đinh Gia Lệ: Quyền lực này rất lớn.

- HT Tịnh Không: Đúng thế, tuyển chọn nhân tài. Quản lý rất nhiều cuộc thi mỗi năm của quốc gia, nếu cần nhân tài, thì họ chuyên phụ trách về mảng thi cử này, cả đời theo nghề giáo dục. Cơ quan cấp cho Thầy ấy một chiếc xe con, Thầy ấy là Phó bộ trưởng nên lắp điện thoại nhà cho Thầy ấy. Chiếc xe đó nếu không phải là việc công thì Thầy không dùng, có việc riêng thì đón xe buýt; điện thoại không phải việc công thì không dùng, bên ngoài gọi đến thì được, còn bản thân tuyệt đối không gọi. Bản thân có việc riêng thì gọi điện thoại công cộng bên ngoài.

- Đinh Gia Lệ: Thầy ấy thật liêm khiết, không lạm dụng của công, người này thật là đáng nể!

- HT Tịnh Không: Đúng vậy. Thầy ấy nói rằng: “Tôi gọi điện vì việc riêng của tôi thì cơ quan phải trả tiền, phải đóng tiền điện thoại”. Con trai của Thầy thấy ba mình như vậy – con trai Thầy là bạn học rất thân với chúng tôi. Cậu ta nói ba mình cổ hủ, không hiểu thế thái nhân tình. Cậu ta phê bình ba của mình, ngay cả họ là con cái mà còn nói như thế này: “Quả thật là rất bất tiện”. Vì vậy con trái Thầy thường nói rằng làm học trò của Thầy thì tốt, làm con của Thầy thì rất khổ.

- Đinh Gia Lệ: Thật ra cậu ta không biết Thầy ấy đang tích lũy âm đức bảo hộ cho con cháu của họ.

- HT Tịnh Không: Rất tốt.

- Đinh Gia Lệ: Đối với họ thật sự là rất tốt phải không ạ?

- HT Tịnh Không: Đúng thế, bạn xem thu nhập của Thầy ấy tuy không nhiều, nhưng cuộc sống gia đình rất giản dị, vì học Phật nên cả nhà đều ăn chay.

- Đinh Gia Lệ: Ồ, cả nhà đều ăn chay ư?

- HT Tịnh Không: Đúng vậy, bạn nghĩ xem, tiền dư thì Thầy ấy gởi về quê nhà, ở quê còn có người thân bạn bè, chăm sóc mười mấy hộ gia đình, không phải bản thân xứng đáng được nhận thì một đồng một xu cũng không lấy.

- Đinh Gia Lệ: Tích đại phước đức.

- HT Tịnh Không: Lúc đó chúng tôi thật sự nhìn thấy con người mẫu mực, con người được văn hóa truyền thống giáo dục. Thầy ấy cả đời thanh liêm, là tấm gương tốt cho chúng ta noi theo. Thời kỳ kháng chiến, Thầy là hiệu trưởng của chúng tôi, chúng tôi đối với hai vợ chồng Thầy hiệu trưởng giống như đối với cha mẹ của mình vậy. Họ chăm sóc chúng tôi rất chu đáo.

- Đinh Gia Lệ: Vì Thầy ấy có đức hạnh nên trong thâm tâm mọi người đều rất tôn trọng Thầy ấy đúng không ạ?

- HT Tịnh Không: Không sai.

- Đinh Gia Lệ: Thưa Thầy, thầy ấy thật là có trí tuệ. Với chức vị này của Thầy ấy, nếu là người bây giờ thì có thể nhận quà hối lộ phát tài to. Nhưng Thầy ấy hiểu được Nhân Quả, nên Thầy ấy tuyệt đối không dám làm việc lỗ mãng như thế. Thầy ấy thật có trí tuệ đó Thầy ạ.

- HT Tịnh Không: Đây thực sự là hành thiện tích đức. Vị thầy này là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, chúng tôi tận mắt thấy được. Cuộc sống hiện nay của chúng tôi, tất cả đều tùy duyên, nhưng trên thực tế đã quá đầy đủ rồi, so với người xưa, chúng tôi còn kém xe lắm. Nhưng cuộc sống riêng của bản thân tôi thì rất đơn giản. Tôi ở Đài Trung theo Thầy Lý mười năm, trong đó có năm năm, một nửa thời gian là chúng tôi tự nấu ăn.

- Đinh Gia Lệ: Tự nấu ăn?

- HT Tịnh Không: Đúng. Tôi tự nấu ăn bằng một cái nồi nhỏ, chén nồi đều là một, thức ăn và cơm của chúng tôi đều nấu chung một nồi, bớt phiền phức, từ lúc nhóm lửa cho đến lúc ăn xong, dọn rửa sạch sẽ chỉ mất có nửa tiếng đồng hồ.

- Đinh Gia Lệ: Ồ, quá tiết kiệm thời gian rồi ạ.

- HT Tịnh Không: Bạn nghĩ xem, thật là tự tại, thật đơn giản. Thầy của tôi, cư sĩ Lý Bỉnh Nam, cả đời Thầy sống cuộc sống đơn giản như vậy.

- Đinh Gia Lệ: Đây là tiếc phước (trân trọng, tiết kiệm), thưa Thầy!

- HT Tịnh Không: Tiếc phước, phí sinh hoạt rất ít. Lúc đó, tôi ở cùng Thầy, phí sinh hoạt của Thầy là hai đồng tiền Đài Loan, bằng bao nhiêu đô la Mỹ? Lúc đó một đồng đô la Mỹ có thể đổi được khoảng ba mươi đồng, phí sinh hoạt của Thầy một tháng không đến hai đồng đô la Mỹ.

- Đinh Gia Lệ: Một tháng ư?

- HT Tịnh Không: Một tháng.

- Đinh Gia Lệ: Trời ạ, quá tiết kiệm rồi!

- HT Tịnh Không: Đúng vậy, chúng tôi lúc đó còn trẻ, vọng tưởng tạp niệm nhiều hơn Thầy nên tiêu hao năng lượng cũng nhiều hơn. Tôi học theo Thầy, cũng sống giống như vậy, một ngày tôi cần dùng ba đồng, một ngày Thầy chỉ cần dùng hai đồng là đủ rồi, một ngày ăn một bữa.

- Đinh Gia Lệ: Một ngày ăn một bữa, là ăn vào giữa trưa đúng không ạ?

- HT Tịnh Không: Chính là giữa trưa ăn một bữa, giữa ngày ăn một bữa thật là tự tại. Vì bạn chi tiêu ít nên cả đời bạn không cần cầu cạnh nhờ vả ai cả.

- Đinh Gia Lệ: Cả đời không cần nhờ vả người khác?

- HT Tịnh Không: Cả đời không cần nhờ vả người khác.

- Đinh Gia Lệ: Nửa tiếng đồng hồ giải quyết xong một bữa ăn.

- HT Tịnh Không: Đúng thế, cả đời không nhờ vả người khác. Người đạt đến mức không mong cầu thì phẩm chất tự nhiên sẽ được nâng lên, đối với người khác không còn sự tranh giành hơn thua, đối với thế gian không còn sự mong cầu nữa, điều này mới gọi là hạnh phúc thật sự, hoàn toàn tốt đẹp tự tại. Không kết oán thù với bất cứ ai, đều có thể sống chung hòa thuận vui vẻ với mọi người. Cả đời người này không luống qua một cách vô ích, đây gọi là hạnh phúc mỹ mãn thật sự. Không phải là giàu sang phú quý, người giàu sang không hưởng thụ được cuộc sống như thế.

- Đinh Gia Lệ: Bên ngoài con thấy rất nhiều người đang hưởng phước, thực sự họ đang…

- HT Tịnh Không: Không, đó là đang uống thuốc độc.

- Đinh Gia Lệ: Uống thuốc độc?

- HT Tịnh Không: Chúng ta đọc trong Kinh Vô Lượng Thọ nói “ăn uống khổ độc”, câu nói này không phải chính là đang nói con người hiện nay sao? Họ sống những ngày tháng như thế nào? Ăn uống khổ độc.

Trích Kinh Thủ Lăng NGhiêm

Lại nữa A Nan!

Nếu các chúng sanh phá hủy luật nghi, phạm giới Bồ Tát, phỉ báng Niết Bàn và các nghiệp khác, thì trải qua nhiều kiếp bị đốt cháy, sau khi đền tội xong, thọ các hình quỷ.

Nếu ở nơi bản nhân, do tham vật tạo tội, người ấy khi đền tội xong, gặp vật thành hình, gọi là Quái Quỷ do tham sắc tạo tội, khi đền tội xong, gặp gió thành hình. gọi là Bạt Quỷ; do tham dối trá tạo tội, khi đền tội xong, gặp súc vật thành hình, gọi là Mî Quỷ; do tham sân hận tạo tội, khi đền tội xong, gặp sâu bọ thành hình, gọi là Cổ Độc Quỷ; do tham ghi khắc thù oán tạo tội, khi đền tội xong, gặp kẻ thù vận suy thành hình, gọi là Lệ Quỷ; do tham ngạo mạn tạo tội, khi đền tội xong, gặp khí thành hình, gọi là Ngạ Quỷ; do tham lừa gạt tạo tội, khi đền tội xong, gặp u ẩn thành hình, gọi là Yểm Quỷ; do tham minh ngộ tạo tội, khi đền tội xong, gặp tinh linh thành hình, gọi là Võng Lượng Quỷ; do tham vu vạ tạo tội, khi đền tội xong, gặp linh hiển thành hình, gọi là Dịch Sử Quỷ; do tham kết bè phái tạo tội khi đền tội xong, gặp con người thành hình, gọi là Truyền Tống Quỷ.

- A Nan! Loại này đều vì thuần tình mà sa đọa, khi nghiệp lửa đốt cạn thì lên làm quỷ, ấy đều do vọng tưởng của tự mình chiêu cảm nghiệp quả, nếu ngộ tánh Bồ Đề, thì nơi diệu tâm sáng tỏ, vốn chẳng có gì cả.

- Lại nữa A Nan! Khi hết nghiệp quỷ, tình và tưởng cả hai đều không, mới ở nơi thế gian, với người mắc nợ cũ oán đối gặp nhau, thân làm súc sinh để trả nợ xưa.

- Loài quái quỷ theo vật, khi vật tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chim kêu.

- Bạt quỷ theo gió, khi gió tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cửu trưng (loài dự báo điềm xấu như chim cú, quạ...)

- Mî quỷ theo súc, khi súc chết báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chồn.

- Cổ quỷ theo sâu, khi suy sâu diệt hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài độc hại.

- Lệ quỷ theo vận suy, khi suy tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun sán.

- Ngạ quỷ theo khí, khi khí tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài gia súc.

- Yểm quỷ theo u-ẩn, khi u-ẩn tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài tằm, cừu, cung cấp đồ mặc.

- Võng Lượng Quỷ theo tinh linh, khi tinh tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chim mùa.

- Dịch Sử Quỷ theo linh hiển, khi linh diệt báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài hưu trưng (loài dự báo điềm tốt như phụng, lân).

- Truyền Tống Quỷ theo người, khi người chết báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài tùng phục bên người như chó, mèo.

Kinh Thủ Lăng NGhiêm - HT Thích

Duy Lực dịch