Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

NGƯỜI NIỆM PHẬT TÂM PHẢI THANH TỊNH

NGƯỜI NIỆM PHẬT TÂM PHẢI THANH TỊNH, CHẲNG CẦU VÃNG SANH, CHẲNG CẦU NHẤT TÂM BẤT LOẠN, CHẲNG CẦU CÔNG PHU THÀNH PHIẾN, THỨ GÌ CŨNG CHẲNG CẦU, CỨ MỘT CÂU A DI ĐÀ PHẬT MÀ NIỆM ĐẾN TỘT CÙNG. VÌ SAO ? VÌ HỄ CẦU BÈN CÓ VỌNG NIỆM (hay)Nếu thật sự đúng lý, đúng pháp tu học pháp môn này, sẽ có thể thành công trong bảy ngày; nhưng quý vị phải nhớ: “Đúng lý, đúng pháp”, tôi nói rất rõ ràng, rất minh bạch lời này! Nếu quý vị không hiểu rõ, cứ liều mạng thực hiện, niệm suốt bảy ngày, cũng có thể là niệm Phật bảy ngày xong, niệm suốt bảy ngày bảy đêm, chẳng thể vãng sanh, mà ở luôn trong bệnh viện thần kinh. Phiền phức lớn lắm, tẩu hỏa nhập ma rồi! Vì sao biến thành nông nỗi ấy? Kẻ ấy chẳng đúng pháp, nóng vội quá mức!
Người ta niệm Phật là tâm bình khí hòa mà niệm, chẳng có hết thảy dục niệm mà niệm, niệm như thế thì mới hòng thành công. Quý vị có dục vọng, có ý niệm, quý vị niệm như thế, rất dễ bị ma dựa! Do quý vị có hy vọng trong ấy, ma bèn ban cho quý vị một niềm hy vọng. Nói cách khác, quý vị đã đưa chuôi cho người ta nắm, “tôi hy vọng gì cũng không có”, ma đối với quý vị chẳng có cách nào cả! Ví dụ như: “Ngươi muốn có tiền”. [Ma bèn tự nhủ]: “Ta có rất nhiều tiền bèn dụ dỗ, mê hoặc hắn, hắn sẽ mắc lừa. Ngươi muốn có danh, ta ban cho ngươi danh nghĩa rồi sẽ khống chế ngươi”. Quý vị chẳng có mong mỏi gì, hắn sẽ chẳng có một tí biện pháp nào để thao túng quý vị, chẳng biết làm sao! Do vậy, người niệm Phật tâm phải thanh tịnh, thật sự niệm Phật chẳng cầu vãng sanh, chẳng cầu nhất tâm bất loạn, chẳng cầu công phu thành phiến, thứ gì cũng chẳng cầu, ta cứ một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng. Niệm mấy ngày, tự nhiên đắc nhất tâm, tự nhiên thấy Phật vãng sanh. Đó là tự nhiên, nước chảy mãi thành suối. Quý vị phải hiểu đạo lý này!
Vì thế, người niệm Phật điều gì cũng đừng nên cầu, hễ cầu bèn có vọng niệm. Nếu còn có cái tâm mong cầu hiếu thắng, càng dễ bị ma dựa. Đó là đã kết duyên với ma. Cái tâm hiếu thắng [mong tưởng] bữa nay ta thành công, ta phải hơn người khác, không được rồi! Tây Phương Cực Lạc thế giới đâu có kẻ hiếu thắng, vàn muôn phần chớ có cái tâm ấy. Vì thế, trong khi đả Phật Thất mà có lòng hiếu thắng, quý vị lạy một ngàn lạy, tôi lạy một ngàn hai trăm lạy, tôi giỏi hơn quý vị, quý vị không bằng tôi, tâm hạnh ấy là tâm hạnh gì? Quý vị mỗi ngày niệm Phật một vạn tiếng, tôi niệm hai vạn tiếng, ganh đua! Phải giành vị trí thứ nhất, ý niệm ấy sai bét! Vì thế, ý niệm ấy chỉ chuốc lấy ma dựa, chẳng thể đạt kết quả tốt. Do vậy, niệm Phật nhất định phải tâm bình khí hòa, chuyện gì cũng đều chẳng cầu!
Niệm một câu Phật hiệu đương nhiên là vì nhất tâm bất loạn, là vì vãng sanh Tịnh Độ. Vì thế, chẳng cần phải khởi tâm động niệm, chỉ cần niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu, như thường nói: Không gián đoạn, chẳng xen tạp, không hoài nghi. Bảy ngày niệm chưa thành công, thì lại thêm bảy ngày nữa. Thời gian dài lâu chẳng sao hết! Đó là gì? Nghiệp chướng nặng nề. Chúng ta thấy nhiều người, đại đa số là niệm ba năm thành công, chúng ta nghĩ mình cũng nghiệp chướng sâu nặng, chắc là cũng phải ba năm. Chẳng đòi hỏi ba ngày hay bảy ngày thành tựu. Điều đó rất nguy hiểm, đâu phải là trò đùa!
Trích A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA -tập 82-phần 41
Người giảng LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
A DI ĐÀ PHẬT _()_

x