Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Chọn Nhà nước hay Tư nhân?


Hôm nay có 1 cậu em hỏi ý kiến 4mua về chuyện ra trường thì nên xin vào làm "Nhà nước" hay là "Tư nhân". Nhớ lại chuyện của mình 1 năm về trước, 4mua đã thẳng thắn chỉ ra các vấn đề lợi – hại của mỗi môi trường làm việc để cậu ấy tự chọn lựa nơi phù hợp. Bản thân 4mua đã từng từ bỏ 1 trường đại học danh giá nhất nhì Thủ đô, từ bỏ công việc ở 1 Vụ quan trọng của 1 Bộ tiêu tiền nhiều nhất nhì đất nước, từ bỏ công việc ở 1 công ty nước ngoài,.. để đi làm cho 1 công ty Tư nhân trong nước. Cho nên, 4mua nhận thấy: Thực sự thì, 2 môi trường này ở Việt Nam rất khác xa nhau...

Xét về tổng thu nhập
Sau 4-5 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, hầu hết chúng ta ra trường đều mong có 1 việc làm có thu nhập cao. Ngoài lý do "chính trị" ghê gớm là để trả ơn bố mẹ thì cái lý do "to" nhất (nhưng lại được dấu kỹ nhất) là có nhiều tiền để trang bị cho cuộc sống, đầu tư cho bản thân,.. Tóm lại là để hãnh diện!
Nếu làm ở cơ quan Nhà nước mà không có "cơ" (C.Ô.C.C được gửi gắm chẳng hạn) thì thu nhập chính xác là: 3 cọc 3 đồng. Dù có thêm vài cái phong bì lẻ tẻ mỗi tuần do họp hành, khách khứa,.. nhưng nói chung là sống vẫn rất lay lắt. Nếu nghề nghiệp cho phép làm việc ngoài thì có thể khá hơn (vì làm Nhà nước có nhiều thời gian và khá... tự do vô kỷ luật). Nhưng nhìn chung, với cách tính lương "tuần tự nhi tiến" theo thâm niên, cộng với việc có làm thêm chăng nữa cũng chỉ là các công việc cò con (dành cho cá nhân) thì không thể trông chờ 1 mức thu nhập "hoành tráng" được!
Nếu là Tư nhân thì hầu như bạn có thể hưởng lương theo khả năng của mình: Bao gồm cả khả năng chuyên môn, khả năng quan hệ, khả năng đàm phán, ngoại giao & trình độ "tâm lý chiến"! Cũng có nghĩa là bạn không bị "thu nhập oan"! Nếu bạn giỏi, okie – lương bạn có thể hàng ngàn đến vài ngàn đô. Nếu bạn không giỏi, vài trăm đô. Nếu bạn dốt (một cách toàn diện), bạn chấp nhận tiền triệu, tiền trăm hoặc out ngay lập tức!
Xét về cơ hội nâng cao trình độ
Nhiều người lầm tưởng ở cơ quan Nhà nước sẽ có cơ hội đi học lên cao – và gọi đó là nâng cao trình độ. Xin thưa: Không hề! Chuyện đào tạo sau đại học ở VN là 1 câu chuyện dài, và ai cũng có thể nói 1 cách tương đối chính xác chất lượng đào tạo đến đâu (kể cả chưa cần đi học bởi vì bằng chứng thì đầy ngoài... ngõ)! Cũng xin mở ngoặc ngay là "trình độ" ở đây không phải chỉ là nói đến chuyên môn đơn thuần.
Cho nên dù bạn có học đến Thạc sỹ hay làm Tiến sỹ trong quá trình công tác ở các cơ quan nhà nước thì nhìn chung (đa số) là trình độ của bạn vẫn... dậm chân tại chỗ mà thôi! Đơn giản vì bạn thường bị thiếu thực tế, thiếu sự cọ xát và chiến đấu khắc nghiệt bên ngoài xã hội. Các nguồn "việc" chủ yếu được bơm từ trên xuống (Bộ chủ quản hoặc Tổng công ty mẹ) và quá trình "đấu đá", nghiệm thu mang nặng tính thủ tục - cộng với sự cả nể "có đi có lại" dẫn tới việc trình độ thực sự còn phải đeo thêm cái dấu chấm hỏi to đùng!
Cho nên theo quan điểm của 4mua thì cơ quan Nhà nước không phải là nơi tốt nhất cho việc nâng cao trình độ. Phải là các Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh - Nơi mà bạn bị vần như cối đá và bị xoay như chong chóng!
Xét về cơ hội thăng tiến
Nếu bạn làm ở 1 cơ quan Nhà nước một cách "tay bo" không người nâng đỡ, không được cơ cấu hay quy hoạch, thì chuyện bạn rất giỏi nhưng cả đời chỉ làm chuyên viên để rồi cống hiến & hi sinh không hề hiếm hoi, xa lạ hay bất ngờ! Bạn có thể thẳng thừng bị "cướp" thành quả và công sức của mình, đóng dấu những thứ đó dưới tên của sếp. Cái đó gọi là "phải biết hi sinh, phải biết vị trí của mình" - và bạn đừng có thắc mắc! Bản thân 4mua đã từng bị cướp công như thế với lý do: Để tên em thì khó thuyết phục người ta (Bộ) đồng ý. Cứ ghi tên chị cho nó dễ dàng em ạ"!
Nhưng khi bạn làm cho Tư nhân, bạn hoàn toàn có thể trở thành Phó Tổng giám đốc khi chưa tròn 30 tuổi – miễn là bạn đủ "trình"! Tôi đố các bạn tìm được 1 Phó Tổng giám đốc 1 Tổng công ty lớn của Nhà nước nào đó dưới 30 tuổi đấy? Sự dân chủ giả tạo ở các cơ quan Nhà nước luôn được đem ra làm công cụ để nhào nặn đội hình cho đúng với ý lãnh đạo hay cấp trên. Cho dù bạn đủ khả năng và ¾ công ty muốn bạn làm lãnh đạo thì bạn vẫn... Hãy đợi đấy! Hi vọng trước khi về hưu bạn sẽ được 1 cái ân huệ: bổ nhiệm làm Phó phòng.
Xét về độ nhàn hạ
Cái này thôi khỏi phải bàn – nói ra thì tức cười vì ai ai cũng rõ mười mươi cả rồi! Chỉ xin mở ngoặc 1 điều: Khi bạn còn trẻ mà bạn quá nhàn rỗi thì điều đó sẽ giết chết sức khỏe của bạn. Nghe có vẻ ngược đời nhưng đúng là điều đó làm bạn cảm thấy rất uể oải và thiếu sức sống mỗi ngày!
Xét về độ "oai phong"
Ờ, làm Nhà nước thì oai hẳn rồi! Tha hồ mà quát nạt "lũ dân đen" mỗi khi họ có việc cần "cầu cạnh". Nhiều người say sưa với việc đó và cho rằng: Mình đã có công danh, có 1 địa vị quan trọng trong xã hội. Một thằng ranh con ra trường chưa đầy 2 năm, nghiệp vụ hạng xoàng,.. có thể khệnh khạng quát 1 ông chuyên gia bằng tuổi bố nó (vì nó là Nhà nước)! Đó là do những bất cập bởi sự chưa minh bạch về các vấn đề pháp lý và quản lý Nhà nước. Chứ thực ra, có oai hay không, một lúc tĩnh tâm nào đó, bản thân họ (những con người oai phong ấy) cũng đã có câu trả lời.
Tuy nhiên...
Nói như vậy không có nghĩa những người làm cho Tư nhân họ không cảm thấy oai. Vấn đề là cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau mà thôi. Khi sức lao động của bạn có giá trị cao, hiệu quả công việc tốt, bạn làm ra những sản phẩm giá trị cho xã hội, bạn hoàn toàn có thể rất tự hào & tự tin 1 cách đàng hoàng! Bản thân Bí thư chi bộ ở chỗ 4mua cũng kiêu hãnh phát biểu trước Quận ủy: Tôi tự hào và hãnh diện về những đứa con của mình (đứa con là cách ông ấy gọi chúng tôi)! Cuối cùng, khi bạn có nhiều tiền, tự nhiên bạn phong độ và sẽ oai hẳn hơn lên (mà không cần phải ai cấp giấy chứng nhận cả)!
Xét về độ "an toàn"
Rõ ràng là sự an toàn khi làm cho Tư nhân sẽ kém hơn hẳn. Không ai bỏ tiền ra nuôi bạn khi bạn làm việc không hiệu quả cả (trong khi làm cho Nhà nước thì có đấy). Độ rủi ro là rất cao, và bạn có thể mất việc, thất nghiệp bởi những lý do trời ơi đất hỡi: Năng lực của bạn kém, năng lực các đồng nghiệp của bạn kém, năng lực sếp trực tiếp của bạn kém – Thậm chí cả khi năng lực của ông chủ của bạn kém, bạn cũng sẽ mất việc (phá sản mà)!
Cho nên nếu bạn là người tầm tầm, không muốn vươn lên, ngại va chạm và xê dịch thì "tổ ấm" lý tưởng của bạn chính là 1 cơ quan Nhà nước. Tốt nhất là một cơ quan Nhà nước không nổi tiếng, càng "ít tiếng" càng tốt – Thậm chí nếu người ta đã quên nó rồi thì càng tốt hơn (tất nhiên là vẫn phải nhớ trả lương)! :D
Xét về độ hài lòng & hạnh phúc
Hạnh phúc có liên quan đến chuyện làm cho Nhà nước và Tư nhân hay không? Cụ thể hơn là liệu những người làm cho Nhà nước có hạnh phúc hơn những người làm cho Tư nhân (hoặc ngược lại) hay không? À không, chính xác thì phải là: Cùng 1 con người ấy, khi họ làm cho Nhà nước thì họ có cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ làm cho Tư nhân (hoặc ngược lại) hay không? Câu trả lời quả thực vô cùng khó vì quan niệm về hạnh phúc là rất khác nhau. Với riêng cá nhân 4mua, khi làm cho Tư nhân thì 4mua cảm thấy hạnh phúc hơn (vì được cống hiến, được làm việc, được cháy hết mình & cả được... lo lắng nữa)!
Buộc lại...
Khi 4mua đã nói như thế này thì rõ ràng đầy ngụ ý là: làm cho Tư nhân thì tốt hơn làm cho Nhà nước. Điều này sẽ đụng chạm đến vô khối người, đặc biệt là những người công tác trong những ngành không có môi trường Tư nhân hoặc ranh giới rất mong manh. Xin thưa, đó chỉ là ngoại lệ thôi! Khoảng hơn 80% xã hội Việt Nam đã và đang trong trình trạng như 4mua đã nói.
Vậy... không lẽ họ không biết điều đó, hay theo như lý luận của 4mua thì họ không giỏi?!?
Không hẳn! (Không có phát ngôn nào về vấn đề này chính xác tuyệt đối cả). Nhưng một bộ phận không nhỏ bị cái gọi là "sức ì". Họ ngại thay đổi. Họ e ngại không biết khi mình rời bỏ nơi này, cuộc sống sẽ ra sao, có tốt đẹp hơn không? Thậm chí, có tốt đẹp như hiện tại hay không? Và cũng có thể họ đang hài lòng với công việc ở Nhà nước hiện nay; họ đang hi vọng vào 1 ngày mai tươi sáng hơn (những lời hứa thăng chức chẳng hạn). Điều đó không có gì là khó hiểu & mâu thuẫn cả.
Khi 4mua bỏ việc ở mấy nơi như đã trình bày, không biết bao nhiêu người thân – quen (kể cả sếp cũ) chửi 4mua là ngudốt! Thậm chí, nhiều người bây giờ gặp lại vẫn nghĩ 4mua còn làm ở chỗ đó (dù đã được 4mua "thanh minh"). Đơn giản vì họ không thể tin và họ cho rằng chỗ đó quá "thơm" để mà ôm chặt lấy suốt đời!
Cuối cùng, nếu bạn giỏi một cách "toàn diện" thì ở môi trường nào bạn cũng sẽ (sớm hay muộn) thành công (lại là một khái niệm còn gây tranh cãi). Tất cả những điều trên mới chỉ là kinh nghiệm và vốn sống của cá nhân 4mua. Còn bạn, bạn đã chọn môi trường nào?


Nguồn: Blog 4mua

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét