Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Hạn chế và con người Việt Nam

Sưu tầm theo: Tạp chí Người đọc sách

     Thực sự tôi không muốn post bài này, nhưng nó phản ánh quá chân thực con người Việt Nam. Ai không thích thì đừng đọc, tôi không dám cấm, nhưng nếu đọc rồi thì hãy suy nghĩ một tí về con người Việt Nam.

      Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng nhìn chung, xét về bản chất, tư duy, nhận thức của người Việt Nam có một số hạn chế cần khắc phục sau đây: 
- Bệnh: "Cá nhân chủ nghĩa". Trong một thời gian khá dài, tại các đợt học tập chính trị, chỉnh huấn từ những năm 1952 – 1960 đều lấy việc chống chủ nghĩa cá nhân làm chủ đề chính cho các sinh hoạt và rèn luyện đạo đức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và thanh thiếu niên. Trước đây, ông cha ta không gọi đó là bệnh cá nhân chủ nghĩa mà gọi luôn bản chất của nó là “thói hám danh lợi”. Ngày nay, bệnh này khá trầm trọng ờ mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường sẽ càng có cơ hội ho chủ nghĩa cá nhân phát triển.
- Lối tư duy theo tư tưởng thích quyền lực, thích làm quan, thích làm thầy thiên hạ, ghét buôn bán, ngại làm thợ… Hậu quả của lối tư duy này là sự mất cân bằng về cơ cấu nguồn nhân lực, một yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Hệ quả kéo theo là tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thiếu một lực lượng khá lớn công nhân có tay nghề. Lối tư duy, nhận thức trong xã hội tồn tại trong mỗi con người thể hiện ngay ở việc học, cho rằng phải học để làm quan, làm công chức, bám vào Nhà nước, không học thì làm thợ, làm công nhân (làm thầy nuôi thợ làm thợ nuôi miệng). Nhược điểm này trong lối tư duy của người Việt Nam gây tác động không nhỏ tới quá trình phát triển nền kinh tế thị trướng, quá trình CNH – HĐH đất nước, đặc biệt gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Lối tư duy “ba phải” cũng là một nhược điểm trầm trọng và khá phổ biến trong cách suy nghĩ ở một bộ phận người Việt Nam. Ngày nay, lối tư duy này biểu hiện ở tất cả các mặt của đời sống kinh tế – xã hội, rất đa dạng và có mức độ, mật độ khác nhau, đó là: nói một đằng làm một nẻo, ném đá giấu tay… Những nhược điểm của lối tư duy như vậy sẽ dẫn đến hệ quả là niềm tin bị tổn thất, làm lệch lạc định hướng chính thống trong tư duy, đặc biệt trong nền kinh tế thị trướng định hướng xã hội chủ nghĩa và sẽ rất nguy hiểm nếu nó ăn sâu vào nhận thức của đội ngũ công chức và tầng lớp lãnh đạo.
- Tư duy, nhận thức tiểu nông trong nhân dân còn phổ biến. Nguyên gốc của nó là sự hiện diện suốt chiều dài lịch sử dân tộc và sự ảnh hưởng quá lớn của làng xã trong đời sống xã hội đã tạo nên một hình thức tư duy, nhận thức đặc thù như vậy trong xã hội. Tư duy tiểu nông không chỉ tồn tại và ảnh hưởng đối với đại bộ phận nông dân, mà còn tồn tại và ảnh hưởng đến các tầng lớp cư dân khác: công nhân, công chức… phản ánh ở một số khía cạnh sau đây:  
      + Tư duy phiến diện: thể hiện trong định hướng hoạt động cũng như cách thúc giải quyết vấn đề thiếu tổng quát, toàn diện, tầm nhìn xa. Vì vậy, cách giải quyết thường mang tính chắp vá. Tư duy manh mún, lạc hậu là kết quả của quá trình phát triển lịch sử, kinh tế – xã hội lâu dài với những hạn chế và khó khăn trong điều kiện lao động và sinh hoạt xã hội. 
      + Tư duy nặng về tình cảm dòng họ và tính cục bộ: trong đời sống làng xã, người nông dân luôn hiện diện với hai vai: thành viên của cộng đồng làng xã và thành viên của dòng họ. Đối với mỗi người dân Việt Nam, tình cảm dòng họ rất quan trọng. Trong một cộng đồng, tình cảm dòng họ và tính cục bộ đã tạo nên sự cố kết bền vững, tinh thần tương thân tương ái giữa các thành viên của nó. Mỗi cá nhân, gia đình khi gặp hoạn nạn, khó khăn hoặc khi có công việc lởn thì được dòng họ hợp sức để giúp đỡ. Bên cạnh những mặt tích cực, tình cảm dòng họ làm nảy sinh những biểu hiện của tâm lý hẹp hòi, tiêu cực, cục bộ, gia đình chủ nghĩa, những đố kỵ, ghen ghét, bè phái, phe cánh có nguyên nhân từ tư duy mang tính dòng tộc này.
- Tính thụ động, cầu may, ăn xổi: lối suy nghĩ này do hoạt động của người nông dân trong điều kiện hạn hẹp, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Tư duy hẹp hòi, thụ đống, cầu an còn thể hiện ở chỗ thiếu sáng tạo, dựa vào lối tư duy kinh nghiệm. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi người phải năng động, nhạy bén nhưng vẫn còn nhiều người mang lối tư duy thụ động, thiếu tính sáng tạo.
- Tác phong tuỳ tiện, ý thức kỷ luật kém cũng bắt nguồn từ tư duy tiểu nông, đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, công nhân hiện nay.
     Ngoài ra, cần phải kể đến những lối tư duy sùng ngoại, coi trọng đồng tiền (quy tất cả ra tiền, kể cả các mối quan hệ vốn thuộc về phạm trù đạo đức), coi nhẹ việc kiềm chế dục vọng, hưởng thụ vật chất trong xã hội.(câu này rất đúng ) Vì vậy, cần phải có biện pháp điều chỉnh và khắc phục những nhược điểm này, thay vào đó lối tư duy khoa học, lấy hiệu quả và kết quả thực làm hướng đích trong tư duy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét